Hà Nội với nhiều điểm du lịch, vui chơi nổi tiếng hấp dẫn còn có thế mạnh về du lịch khác là du lịch làng nghề, Nếu đang tìm 1 điểm du lịch làng nghề hãy khám phá ngay 7 điểm du lịch làng nghề của Hà Nội hấp dẫn đã được thành phố công nhận.
1. Làng gốm Bát Tràng
Làng nghề gốm sứ Bát Tràng có truyền thống lịch sử cách đây trên 1.000 năm, gắn liền với lịch sử Thăng Long – Hà Nội, khi vua Lý Công Uẩn dời đô về Thăng Long. Các sản phẩm gốm men ngọc, men hoa lan, men rạn của Bát Tràng rất đặc biệt, không lẫn với gốm xứ Thổ Hà, Phù Lãng, Hương Canh…
Để làm ra đồ gốm, người thợ gốm phải trải qua nhiều công đoạn như chọn đất, xử lý, pha chế đất, tạo dáng, hoa văn, phủ men, cuối cùng là nung sản phẩm… Làng nghề Bát Tràng ngày nay đã có nhiều thay đổi nhanh chóng, nhiều ngôi nhà mới khang trang hiện đại, những showroom gốm sứ trang trí đẹp, bề thế thu hút nhiều du khách đến chiêm ngưỡng. Đến du lịch Bát Tràng, du khách sẽ được khám phá chợ gốm, mua quà lưu niệm là các sản phẩm từ gốm, hay trải nghiệm cách làm ra những sảm phẩm gốm nơi đây.
2. Làng lụa Vạn Phúc
Làng lụa Vạn Phúc hay còn được gọi là làng lụa Hà Đôngnằm tại phường Vạn Phúc, quận Hà Đông, cách trung tâm Hà Nội hơn 10 km. Vốn tồn tại khoảng hơn 1000 năm, làng là một trong những làng lụa dệt tơ tằm đẹp và nổi tiếng nhất Việt Nam.
Nằm bên bờ sông Nhuệ, làng lụa Vạn Phúc vẫn còn giữ được ít nhiều nét cổ kính quê ngày xưa như hình ảnh cây đa cổ thụ, giếng nước, sân đình, buổi chiều vẫn họp chợ dưới gốc đa trước đình.Trải qua nhiều thế hệ, lụa Vạn Phúc vẫn giữ được nét đẹp truyền thống và đang đi đầu trong ngành dệt nước ta. Lụa làng Vạn Phúc được đánh giá là đẹp và bền. Hoa văn trên lụa rất đa dạng, trang trí đối xứng với nhau, đường nét không rườm ra, phức tạp mà luôn tạo cảm giác phóng thoáng, dứt khoát.
Đến làng lụa Vạn Phúc Du khách không chỉ đắm mình vào những màu sắc tươi rói của lụa với đủ thứ mặt hàng đa dạng, đẹp mắt như quần, áo, túi, ví, khăn, gối hay những tấm lụa nguyên bản,… trong gian hàng trưng bày mà còn được lắng nghe âm thanh rộn ràng của khung cửi, tiếng lách cách của con thoi, những âm thanh đã trở thành nhịp điệu cuộc sống nơi đây.
3. Làng quạt Chàng Sơn
Làng quạt Chàng Sơn nằm tại xã Chàng Sơn, huyện Thạch Thất, Hà Nội, có nghề làm quạt từ thế kỷ 19. Để làm hoàn chỉnh một chiếc quạt giấy mang thương hiệu Chàng Sơn, phải qua rất nhiều công đoạn. Chiếc quạt Chàng Sơn ngày nay với mẫu mã đẹp, tranh vẽ sống động vừa dùng làm vật trang trí, vừa làm đồ lưu niệm và đặc biệt có thể trở thành một sản phẩm văn hoá, du lịch…
Quạt truyền thống Chàng Sơn không chỉ được xuất bán đi khắp các vùng miền trên cả nước mà còn đến được với du khách quốc tế ở các điểm du lịch, xuất khẩu sang nước ngoài. Về thăm làng quạt Chàng Sơn du khách sẽ có những trải nghiệm cực kỳ mới lạ , được trải nghiệm cùng nghệ nhân làng nghề thử sức tự tay làm ra những chiếc quạt nan, quạt giấy xinh tươi.
tham khảo 6 lễ hội truyền thống đặc trưng ở Hà Nội
4. Làng nghề khảm trai Chuyên Mỹ
Xã Chuyên Mỹ, huyện Phú Xuyên từ lâu đã nổi tiếng với nghề khảm trai truyền thống được nhiều khách hàng trong và ngoài nước biết đến Nghề làm khảm trai Chuyên Mỹ đã có cách đây hàng nghìn năm. Nghề khảm trai không đơn giản chỉ là nghề đục đẽo, lắp ráp theo khuôn mẫu nhất định mà đó là cả một “chặng đường” nghệ thuật..
Để có một sản phẩm khảm trai, người thợ phải trai qua nhiều công đoạn. Mỗi công đoạn, người thợ đều phải thật cẩn thận, tỉ mỉ. Một trong những công đoạn quan trọng của nghề khảm trai là “cẩn xà cừ” nghĩa là đục gỗ theo nét vẽ và gắn những nguyên liệu họa tiết lên đó. Và công đoạn kỳ công nhất trong nghề khảm đó là cưa, đục các mảnh trai.
Sản phẩm của làng nghề Chuyên Mỹ phát triển ngày càng đa dạng và phong phú về mẫu mã, đáp ứng được nhu cầu trong nước và vươn xa ra thị trường quốc tế. Bàn tay khéo léo, óc sáng tạo phong phú của những người thợ khảm Chuyên Mỹ mang đậm sắc thái văn hóa của vùng đất chiêm trũng đồng bằng Bắc Bộ đang trở thành điểm du lịch sinh thái làng nghề cuốn hút du khách trong và ngoài nước.
5. Làng nghề may Vân Từ
Làng nghề may Vân Từ nằm ở x ã Vân Từ, huyện Phú Xuyên, Hà Nội, người dân nơi đây luôn tự hào vì nghề may comple, veston đã có hàng trăm năm tuổi. Để làm nên thương hiệu cũng như giữ được thương hiệu, comple veston Vân Từ đó là vải có tới 4 lớp gồm vải, mùng, lót, bong làm cho sản phẩm dầy hơn, bền hơn không bị nhàu và phai màu khác hẳn với các sản phẩm được sản xuất trên dây chuyền công nghiệp hiện nay.
Do là may thủ công và theo sát mọi quá trình sản xuất nên comple, veston Vân Từ không bị mắc những lỗi nhỏ như dư chỉ thừa, đường chỉ chạy lệch hay các túi may không đều giống như may công nghiệp.
Đến tham quan trải nghiệm Làng nghề may Vân Từdu khách cũng sẽ có cơ hội tham quan, mua sắm, may đo trực tiếp tại khu vực Phố May Vân Từ và tham quan làng cổ Cựu xã Vân Từ; xem các nghệ nhân trình diễn tay nghề may comple.
6. Làng nón Chuông
Làng Chuông (xã Phương Trung, huyện Thanh Oai) nổi tiếng với nghề làm nón. Cùng với nghề truyền thống, người dân làng nghề đã năng động gắn kết với hoạt động du lịch, thu hút khách tham quan, trải nghiệm. Nón làng Chuông có bí quyết và vẻ đẹp rất riêng khiến nón lá nơi đây bền, đẹp, chắc chắn, đó chính là ở đôi bàn tay khéo léo, tỉ mỉ, cẩn thận trong từng công đoạn của người thợ làm nón.
Để làm ra một chiếc nón lá làng Chuông “chính hiệu”, người nghệ nhân bình thường sẽ phải bỏ ra nửa ngày, thậm chí là cả ngày, với nhiều công đoạn.Những chiếc nón làng Chuông có mặt khắp cả nước và được xuất khẩu sang Trung Quốc, Nhật Bản… mang theo thông điệp bản sắc dân tộc, đưa làng nghề trở thành địa chỉ du lịch hấp dẫn.
Du khách khi đến đây sẽ được quan sát những đôi tay của người làng nghề vừa tỉ mỉ, vừa thoăn thoắt khâu nón, được những người thợ hướng dẫn tham gia các công đoạn làm nón như: Vò lá, là lá, nối vòng, làm khung và khâu một chiếc nón hoàn thiện…hay còn được tham quan hệ thống di tích, lịch sử, đình, chùa của làng…
7. Làng nghề sơn mài Hạ Thái
Làng nghề sơn mài Hạ Thái nằm ở xã Duyên Thái, huyện Thường Tín có lịch sử trên 200 năm. Trước kia, sản phẩm của Làng nghề sơn mài Hạ Thái chủ yếu là đồ thờ cúng phục vụ nhu cầu văn hóa tâm linh thì ngày nay, với xu hướng của thị trường các sản phẩm nơi đây đã trở nên đa dạng phục vụ cuộc sống hàng ngày: khay, đĩa, lọ hoa, bình hoa, hộp đựng trang sức, tranh phong cảnh, sản phẩm để trưng bày, trang trí nội thất, quà tặng, đồ lưu niệm…
Các nghệ nhân của làng đã áp dụng nhiều kỹ thuật hiện đại trong pha chế, thay đổi công đoạn sơn làm cho sản phẩm bóng, bền, đẹp hơn. Sản phẩm của Làng nghề sơn mài Hạ Thái đã chinh phục được khách hàng trong nước và nhiều thị trường: Đông Âu, Châu Á, Châu Âu, châu Mỹ, Úc, Trung Đông…Sơn mài Hạ Thái- Duyên Thái cùng sự sáng tạo không ngừng của những người làm nghề đã góp phần làm đẹp cho đời và giúp cho cuộc sống của người dân nơi đây ngày càng phát triển. Làng nghề sơn mài Hạ Thái với sản phẩm được kết tinh từ truyền thống hơn 200 năm cùng sự sáng tạo không ngừng của những người làm nghề đã góp phần làm đẹp cho đời và giúp cho cuộc sống của người dân nơi đây ngày càng phát triển.