Năm 2024 được dự báo vẫn là một năm khó khăn với doanh nghiệp Việt. Ảnh: Nam Khánh. |
Trong năm 2024, nền kinh tế Việt Nam được dự báo tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Rào cản lớn nhất là tác động tiêu cực từ bên ngoài, nhất là đà tăng trưởng chậm lại của Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản. Bên cạnh đó, tiêu dùng dự kiến vẫn ở mức thấp như năm 2023 và chỉ kỳ vọng tăng trưởng nhẹ vào 6 tháng cuối năm.
Trước bối cảnh đó, nhiều doanh nghiệp lớn của các tỷ phú USD Việt Nam vẫn mạnh dạn lên kế hoạch tăng trưởng cao trong năm nay. Tuy vậy, số ít doanh nghiệp vẫn tỏ ra dè dặt trong kế hoạch kinh doanh năm nay.
“Vua thép” thận trọng
Với Tập đoàn Hòa Phát của Chủ tịch Trần Đình Long – người giàu nhất sàn chứng khoán (tính theo lượng cổ phiếu cá nhân nắm giữ trực tiếp) – các chuyên gia phân tích nhận định năm 2024 sẽ là khởi đầu chu kỳ lợi nhuận mới của tập đoàn này khi tiêu thụ lẫn giá bán thép hồi phục rõ rệt.
Tuy nhiên, tập đoàn của tỷ phú Trần Đình Long vẫn tỏ ra khá thận trọng. Theo đó, Hòa Phát dự báo thị trường có khởi sắc nhưng chưa rõ nét do kinh tế trong và ngoài nước còn gặp nhiều khó khăn.
Tập đoàn này đặt ưu tiên quản trị tốt dòng tiền, hàng tồn kho, sản xuất kinh doanh phù hợp với tình hình thị trường trong năm nay.
Đặc biệt, doanh nghiệp tập trung bám sát tiến độ đầu tư các dự án lớn, đặc biệt là Khu liên hợp sản xuất gang thép Dung Quất 2, đảm bảo kiểm soát hiệu quả các dự án. Hiện tại, dự án này đã đạt 45% tiến độ, đúng theo kế hoạch tập đoàn đã đề ra.
Khi hoàn thành, năng lực sản xuất thép của Hòa Phát sẽ đạt hơn 14 triệu tấn thép thô/năm, đưa “vua thép” Việt Nam vào top 30 doanh nghiệp thép lớn nhất thế giới từ năm 2025.
Trong khi đó, kết thúc năm 2023 với kết quả kinh doanh ấn tượng, đặc biệt là mảng sản xuất với “đầu tàu” VinFast, Tập đoàn Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng cũng bước sang năm Giáp Thìn với nhiều kế hoạch mới.
Riêng mảng bất động sản, năm 2024, Vinhomes đang có kế hoạch triển khai xây dựng ít nhất 5 dự án tại Hải Phòng, Long An và Khánh Hòa. Bên cạnh đó, doanh nghiệp đang xúc tiến đầu tư nhiều dự án tỷ USD tại Long An, Bắc Giang và Tuyên Quang.
Với mảng bán lẻ, Vincom Retail dự kiến khai trương thêm 6 trung tâm thương mại, với tổng diện tích mặt sàn bán lẻ khoảng 160.000 m2. Qua đó tiếp tục duy trì vị thế cao nhất trong các doanh nghiệp bán lẻ mặt bằng trung tâm thương mại.
Với mảng sản xuất, cuối năm ngoái, tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã chính thức nắm giữ vai trò Tổng giám đốc và trực tiếp điều hành hoạt động của VinFast, hướng tới mục tiêu mở rộng đến 50 thị trường vào cuối năm nay. Trong đó, Indonesia, Ấn Độ cùng nhiều thị trường khác đã được tập đoàn này nhắm tới.
Trong năm 2024, Vingroup cũng sẽ tiếp tục tìm kiếm các phương án huy động vốn khác nhau, bao gồm phát hành trái phiếu, vay ngân hàng, huy động khoản vay quốc tế, khoản tài trợ của chủ tịch và cơ cấu lại một số tài sản.
Nhiều tham vọng trong mảng bất động sản
Đánh giá năm 2024 vẫn tồn tại nhiều khó khăn thách thức, nhưng Thaco Group của tỷ phú Trần Bá Dương đã không dấu tham vọng mở rộng kinh doanh trong nhiều lĩnh vực như cơ khí – công nghiệp hỗ trợ, ôtô và bất động sản…
Đáng chú ý, ông Trần Bá Dương đã lần đầu tiên lên kế hoạch thành lập và vận hành công ty bán hàng tại Mỹ cho thị trường Bắc Mỹ (bao gồm Mỹ, Canada, Mexico), thành lập và quản trị 2 văn phòng đại diện tại châu Âu và Australia.
Ngoài ra, tập đoàn này dự kiến khởi công gần 20 dự án bao gồm các loại hạ tầng, giao thông, thương mại, showroom ôtô… và xây dựng thêm 3 trung tâm thương mại Thiso Mall đến đầu năm 2025.
Trong đó, tập đoàn của vị tỷ phú này dự kiến khởi công 12 dự án bao gồm 2 dự án tại miền Bắc và 10 dự án tại miền Nam để đáp ứng kế hoạch phát triển hệ thống chuỗi trung tâm thương mại của Thiso giai đoạn 2024-2027.
Đối với tổ hợp ôtô đa thương hiệu, Thaco cũng dự kiến hoàn thành và bàn giao 3 dự án tại Huế, Đà Lạt và Tiền Giang; khởi công 6 dự án mới (2 dự án tại miền Bắc, 4 dự án tại miền Nam) và nâng cấp 28 dự án showroom ôtô hiện hữu.
Tương tự, Sunshine Group cũng Chủ tịch Đỗ Anh Tuấn cũng đặt tham vọng lớn trong năm 2024 ở lĩnh vực bất động sản. Theo đó, nhà phát triển bất động sản này đặt mục tiêu tập trung phát triển và xây dựng chuỗi dự án thấp tầng tại Hà Nội trong năm nay.
Doanh nghiệp này đã lên kế hoạch ra mắt 5 dự án trong năm với tổng mức đầu tư lên đến 86.000 tỷ đồng. Các dự án này chủ yếu nằm trên trục bất động sản Hồ Tây – Ba Vì, khu vực Tây Hồ Tây, Đan Phượng, Phúc Thọ (Hà Nội).
Với Công ty Bất động sản Phát Đạt của Chủ tịch Nguyễn Văn Đạt, trong năm nay, doanh nghiệp đã chuẩn bị ít nhất 6 dự án để tung ra thị trường với tổng doanh thu dự kiến hơn 40.000 tỷ đồng.
Sản phẩm trọng tâm sẽ là căn hộ và đất nền, ngoài ra còn có sản phẩm bất động sản du lịch. Các dự án này đều có vị trí tốt trên các đô thị đang phát triển hoặc các khu vực có tiềm năng ở Bình Dương, Bình Định, Đà Nẵng, Vũng Tàu…
Tri thức – Znews giới thiệu độc giả Tủ sách kiến thức kinh tế với đa dạng cuốn sách, câu chuyện trong lĩnh vực kinh doanh, kinh tế. Là nguồn tư liệu cho những người quan tâm và muốn nâng cao kiến thức trong lĩnh vực kinh tế. Những cuốn sách, câu chuyện trong Tủ sách không chỉ đơn thuần là những tác phẩm của tri thức mà còn chứa đựng bí quyết, kinh nghiệm quý báu từ các tác giả, nhà quản lý có uy tín và kinh nghiệm lâu năm trong ngành.
Đọc sách không chỉ giúp người đọc tiếp cận những kiến thức mới mà còn giúp mở rộng tầm nhìn và phát triển bản thân. Tủ sách kiến thức kinh tế mong muốn lan tỏa tri thức trong lĩnh vực kinh doanh, đồng thời phát triển văn hóa đọc cho người Việt.